Bối cảnh Trận_Hastings

Vua William I Kẻ chinh phục

Năm 1035, Công tước xứ Normandy là Robert qua đời. Con ông là William mới lên 8 tuổi đã kế thừa tước vị của cha mình. Lập tức các quý tộc Norman nổi dậy chống lại vị Công tước trẻ tuổi này. Lúc này William nhận được sự giúp đỡ của vua Pháp và Giáo hội nên vẫn bảo toàn được vị thế. Về sau này ông đã xây dựng được một đội quân hùng mạnh và chiến thắng những kẻ nổi loạn vào năm 1047. Sau khi tạo dựng được thế lực cho mình, trong nhiều năm sau đó, William đã tỏ rõ những mối quan tâm đối với vùng đất ở bên kia bờ biển là nước Anh, vốn có mối quan hệ mật thiết với xứ Normandy.

Vua Anh là Edward Người xưng tội đã từng có thời gian dài sống ở Normandy trước khi lên ngôi vua Anh. Một số tài liệu nói rằng Edward Người xưng tội đã có lời hứa truyền ngôi cho người em họ của ông là Công tước William xứ Normandy, nhưng khi trên giường bệnh thì ông lại quyết định truyền ngôi cho Harold Godwinson, một quý tộc thuộc gia đình thế lực nhất ở Anh. Vua Edward có một người cháu trai đủ điều kiện kế vị, nhưng bị cho là quá nhỏ tuổi để trị vì một vương quốc. Ngay sau khi Edward Người xưng tội qua đời vào tháng 1 năm 1066, Harold Godwinson tuyên bố lên ngôi vua Anh. Ông nhận được sự ủng hộ của Witenagemot, một hội đồng các quý tộc Anglo-Saxon.

Công tước William xứ Normandy đã thiết lập rõ chính sách của mình với nước Anh trong hơn 15 năm qua (chờ đợi cơ hội để lên ngôi). Ông xem việc lên ngôi vua của Harold như một lời tuyên bố chiến tranh. William liền lên kế hoạch xâm lược nước Anh và cướp ngôi. Quân đội Norman không đủ mạnh để đơn độc tiến hành cuộc chiến, do đó ông đã mời các quý tộc ở khắp nơi tới Caen thuộc Normandy để nhờ giúp sức (có người ở xa tận miền Nam Italia). William hứa sẽ ban thưởng đất đai và chức tước cho những người đi theo mình và tuyên bố rằng cuộc chinh phạt đã được ủng hộ bởi Giáo hoàng.

William tập hợp một hạm đội với số lượng được cho là khoảng 696 chiếc tàu, nếu con số này chính xác thì quân đội của ông gồm hơn 20.000 người. Lực lượng này đã chờ đợi tại cảng qua mùa hè, có thể là vì thời tiết xấu và cũng rất có thể là do sợ hãi một trận đụng độ trên biển với hạm đội lớn của Anh. Họ cuối cùng cũng khởi hành đi Anh sau khi các nguồn cung cấp hậu cần đã hết buộc Harold phải giải tán hạm đội. Trong lúc này thì nhiều tàu Anh đã đắm do bão. Ngày 28 tháng 9 năm 1066, William đã đổ bộ xuống một địa điểm nằm ngoài dự định tại Pevensey mà không gặp sự kháng cự nào.

Vua Anh Harold II đã sẵn sàng chờ đợi một cuộc xâm lược của người Norman. Thế nhưng trước khi giáp mặt với William, ông đã phải đưa đội quân của mình về phía bắc để đánh trả quân xâm lược Viking tới từ Na Uy dưới sự chỉ huy của vua Harald Hardråda (ông này cũng tuyên bố mình mới là người kế vị hợp pháp của ngai vàng nước Anh) và Tostig Godwinson (em trai của Harold). Harold đánh tan những kẻ xâm lược tại trận Stamford Bridge, gần vùng York. Sau khi nghe báo tin rằng lực lượng của William đã đổ bộ vào đất Anh, ông vội vã hành quân về phía nam. Người em của ông, Bá tước Gyrth, đề nghị rằng nên hành quân chậm lại để có thể tập hợp thêm nhiều người khác, nhưng Harold quyết tâm chứng tỏ cho người dân thấy rằng ông có thể bảo vệ vương quốc mới của mình chống lại bất kỳ kẻ xâm lược nào. Ông ta rời London vào sáng ngày 12 tháng 10, tập hợp bất cứ lực lượng nào có thể trên đường tiến quân. Sau khi cắm trại ở Long Bennington, ông đến Senlac vào đêm ngày 13 tháng 10.[5]

Harold triển khai lực lượng của ông, chắn ngang con đường từ Hastings đến London, trên đồi Senlac, khoảng 6 dặm (10 km] về phía tây bắc của Hastings. Phía sau ông là rừng Anderida rộng lớn, và ở phía trước mặt ông là một sườn đất dốc thoai thoải, khi xuống tới đáy thì nó dốc ngược lên ở phía đối diện, tạo thành sườn đồi Telham.